Trường Trung Học Cơ Sở Nguyễn Du

http://thcs-nguyendu-baria.edu.vn


Khải, "phát hiện từ bụi rậm"

Khải, "phát hiện từ bụi rậm"
Xin giới thiệu đến Thầy Cô một câu chuyện cảm động về tình thầy trò, qua đó giúp chúng ta hiểu thêm về thiên chức người thầy, về lương tâm chức nghiệp.

 

1.Nhận thư Khải báo tin lấy vợ.

Xưa kia đang dạy lớp năm, tôi tiếp nhận Khải chuyển từ lớp khác qua. Tuy thầy cô ở những lớp kia không gọi thẳng ra, nhưng tôi biết Khải là dạng học sinh cá biệt. Em thu lu bất động hàng giờ, trong khi nhiều bạn khác thường bị tôi phạt vì lỗi nói chuyện trong lớp. Lũ học sinh hiếu động quấy phá suốt buổi ra chơi, nhưng Khải miên man trong cõi nào đó của riêng em. Quần áo học sinh cấp I thường vấy dơ vì chúng nô đùa nghịch phá, nhưng y phục của Khải lại bẩn thỉu theo một cách khác.

Nếu em đã trưởng thành và là một triết gia, tôi có thể nói đùa rằng sự bẩn thỉu ấy xuất phát từ việc mê mải suy tư về nhân thế mà quên chăm sóc bản thân. Tự cô lập và kế đến bị cô lập, đó là kết quả hẳn nhiên.

Không tiếp thu lời giảng, nhiều khi gọi em đứng dậy để nhắc lại điều cô vừa nói thì y như rằng Khải lơ ngơ. Bài vở về nhà hầu hết là em không làm, hoặc nếu có chỉ là làm chiếu lệ. Tình hình ấy khiến Khải bị điểm thấp là lẽ đương nhiên. Không chút áy náy, tôi mạnh dạn ghi những điểm đỏ chói ấy vào tập vở em. Thậm chí tôi còn tự nhủ em bị như thế là đích đáng.

2. Một ngày nọ, các bạn thời trung học chúng tôi gặp gỡ nhau và tất nhiên nhắc lại bao kỷ niệm, trong đó có những chuyện tôi đã quên khuấy. Thu Thảo nhắc lại việc tôi từ một học trò dốt văn nhất lớp mà chỉ một năm sau đã đoạt giải văn toàn trường. Vì đâu, nhờ ai?

Tôi lặng người đi giữa buổi liên hoan. Thời lớp bảy, khả năng học văn của tôi thuộc loại trên trung bình, nhưng mọi nỗ lực thể hiện cuối cùng đều tắt ngấm vì đụng phải sự trơ lì lạnh lùng mang tính công thức của một thầy giáo. Thầy đối xử với tôi chẳng khác cách tôi đối với Khải hiện nay. Cuối năm lớp bảy, tôi đội sổ môn văn, tự nhủ sẽ chẳng bao giờ dám sáng tạo nữa.

Lên lớp tám, tôi bằng lòng trú thân trong cách viết mà cô giáo Thơ nói vui là như "bản cliché" (Tiếng Pháp: vừa có nghĩa là khuôn mẫu, vừa có nghĩa là rập khuôn). Cô Thơ vừa phê phán vừa khuyên nhủ, đồng thời khơi lại nguồn sáng tạo trong tôi. Tâm đã an với lòng thông cảm cởi mở ấy, tôi như bừng tỉnh và được tiếp thêm năng lực mới. Cuối năm, khi lên nhận giải nhất môn văn toàn trường, tôi ngỏ lời cảm ơn cô. Cô đáp lại rằng nguồn năng lực ấy luôn tiềm tàng trong mỗi con người và cô chỉ là người nhấc tảng đá lên, tảng đá từng ngăn dòng nước trong veo chỉ chực chờ trào dâng.

Ngoài ra, cô còn trích dẫn một ý của nhà giáo và triết gia Alain (*), bảo rằng thiên chức sư phạm không chỉ là giúp một học sinh giỏi được giỏi hơn, mà phải "sục sạo trong bụi rậm để phát hiện các thân phận hẩm hiu, những tài năng ẩn tàng chưa được khám phá".

3. Sau buổi liên hoan với bạn học cũ, ký ức về cô Thơ và câu trích dẫn làm tôi hổ thẹn nhớ về trường hợp của Khải. Trở lại trường, tôi "sục sạo" hết phòng văn thư lưu trữ và tìm ra tất cả học bạ của Khải. Giáo viên lớp một nhận xét em là học sinh thông minh, sáng tạo. Cô lớp hai ghi "học sinh xuất sắc, hạnh kiểm gương mẫu". Thầy lớp ba nhấn mạnh Khải là "gương tốt về việc giúp bạn học nhóm". Lớp bốn "trầm uất và không giao lưu, không siêng năng"...

Lần dò quá khứ, tôi mới biết Khải xuất thân từ miền núi trung du, mất cả cha lẫn mẹ sau một đêm lũ quét. Em phải về ở chung với người chú họ. Ông chú bạo lực. Định mệnh đưa đẩy Khải chuyển đến trường tôi.

Quyết tâm sửa lại lỗi lầm và ngộ nhận, tôi tự hứa sẽ là một người mẹ cho Khải chứ không chỉ là một giáo viên. Hết lớp năm, em lên cấp II và chuyển sang trường khác, tôi mất liên lạc. Mãi đến khi nhận được thư báo "con đã vào đại học và luôn xem cô là thần tượng". Từ đó mỗi năm vào Ngày nhà giáo, Khải đều gửi thư thăm hỏi tôi. Bức thư cuối cùng dán tem nước ngoài, báo tin tốt nghiệp: "Nếu không có cô, con đã không có được ngày này...".

Nhiều năm nữa trôi qua, những tấm thiệp vào Ngày nhà giáo chỉ mang tính chúc mừng vì Khải vốn kiệm lời. Tôi hưu trí và thay đổi chỗ ở, vì vậy một đồng nghiệp cũ đã khá khó khăn mới chuyển được cho tôi lá thư mới nhất của Khải: "Từ lâu trong tâm khảm con luôn xem cô là mẹ, người đã sinh con ra lần thứ hai, giúp cho con có được sự nghiệp hôm nay...".

Khải đã về nước làm việc. "Con thiết tha xin cô vui lòng làm mẹ và đi hỏi vợ cho con...".

CH.BÚT
(ghi lại theo lời kể của cô G.Vân, giáo viên hưu trí)

__________

(*) Tên thật là Emile-Auguste C-hartier (1868-1951) - triết gia, giáo sư, nhà lược khảo và nhà báo Pháp.

Tác giả: HT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây