Giáo dục kỹ năng sống cho HS như thế nào?

Thứ bảy - 17/09/2011 04:56

Giáo dục kỹ năng sống cho HS như thế nào?

Một trong những yêu cầu quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra trong năm học 2011-2012 là chú trọng thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục giá trị sống và giáo dục kỹ năng sống trong các môn học và các hoạt động giáo dục.

 

Nhiều chuyên gia kết luận: Kỹ năng mềm quyết định 75% thành công của mỗi cá nhân khi vào đời. Như vậy để thấy rằng, việc dạy kỹ năng sống cho HS ngay trong nhà trường là một nhu cầu cấp thiết. Nhưng dạy như thế nào, bắt đầu từ độ tuổi nào lại là vấn đề được các chuyên gia giáo dục, tâm lý học bàn luận sôi nổi.

Do giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không chỉ vì mục đích bảo vệ sức khỏe mà còn nhằm giáo dục hình thành nhân cách, tình cảm, đạo đức... nên nhiều nhà giáo dục cho rằng, việc giáo dục này có thể bắt đầu từ tiểu học hoặc thậm chí có thể ở tuổi mầm non bởi ở lứa tuổi này trẻ đã hình thành hành vi cá nhân, tính cách và nhân cách.

Vì sao con người cần rèn luyện Kỹ năng sống?

Theo Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), kỹ năng sống  gắn với 4 trụ cột của giáo dục: Học để biết (gồm các kỹ năng tư duy như: tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả...); Học làm người (gồm các kỹ năng cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin,...); Học để sống với người khác (gồm các kỹ năng xã hội như: giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông); Học để làm (gồm kỹ năng thực hiện công việc và nhiệm vụ như: kỹ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm,...)

Như vậy, kỹ năng sống bao gồm một loạt các kỹ năng cụ thể, cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của con người. Bản chất của kỹ năng sống là kỹ năng tự quản lý bản thân và kỹ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả... Nói cách khác, kỹ năng sống là khả năng làm chủ bản thân của mỗi con người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó trước các tình huống của cuộc sống.

Việc giáo dục kỹ năng sống góp phần giải quyết tình trạng trẻ thụ động, không biết ứng phó trong những hoàn cảnh nguy cấp, không biết cách tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm, thậm chí không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ...

Bên cạnh đó, các bài học về kỹ năng sống sẽ giúp trẻ hình thành những kĩ năng tâm lý - xã hội cơ bản giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng trong cuộc sống. Đó là những kỹ năng chúng ta phải biết để có được sự điều chỉnh, ứng xử phù hợp với những thay đổi diễn ra hằng ngày, hàng giờ.

Qua học tập và rèn luyện các kỹ năng sống, các em sẽ cảm nhận, thấu hiểu và trân trọng những giá trị căn bản của cuộc sống. Ví dục như: Khả năng làm chủ bản thân của mỗi người; Khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội; Khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.

Trách nhiệm của ngành Giáo dục

Bắt đầu từ năm học 2010 - 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống (KNS) lồng ghép vào các môn học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp ở bậc tiểu học. Đây là một chủ trương cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, để giáo dục KNS cho học sinh đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều phương pháp đa dạng chứ không chỉ từ đơn thuần từ các bài giảng.

Giáo dục KNS cho học sinh là một nội dung được đông đảo phụ huynh và dư luận quan tâm, bởi đây là một chương trình giáo dục hết sức cần thiết. trên thực tế, việc giáo dục KNS cho học sinh được ngành

Giáo dục đặt ra từ lâu, nhưng do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành bộ chuẩn về giáo dục KNS cho học sinh để định hướng chung nên mỗi trường có một cách dạy riêng. Và việc giáo dục KNS tại các trường học mới chỉ dừng lại ở các tiết học giáo dục công dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, các trường học hiện nay đã quá nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc giáo dục KNS cho HS dẫn đến có một bộ phận HS trong các trường thiếu hụt hiểu biết về môi trường xung quanh, ứng xử cần thiết trong cuộc sống. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hành vi, lối sống đạo đức của nhiều HS.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục KNS cho học sinh phải bảo đảm các yếu tố: giúp HS ý thức được giá trị của bản thân trong mối quan hệ xã hội; giúp học sinh hiểu biết về thể chất, tinh thần của bản thân mình; có hành vi, thói quen ứng xử có văn hoá, hiểu biết và chấp hành pháp luật...

Tuy nhiên, giáo dục KNS để đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không phải chỉ từ các bài giảng.
Một yêu cầu quan trọng là, nên cho trẻ tiếp cận với kỹ năng sống thông qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học hoặc lồng ghép vào những môn học và giáo viên góp một phần không nhỏ vào thành công của hoạt động giáo dục kỹ năng sống này.

Hiện nay, có nhiều trường Tiểu học trên địa bàn Hà Nội gửi giáo viên đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục kỹ năng sống và trở về trường trực tiếp giảng dạy cho học sinh như một môn học bắt buộc trong thời khóa biểu.

Giáo viên phải được trang bị và thực hành thành thạo các phương pháp giảng dạy kỹ năng sống, đồng thời phải gần gũi, thân thiện với học sinh và gia đình các em, và bằng kinh nghiệm sống của mình mới có thể giúp học sinh vận dụng tốt những kỹ năng này vào cuộc sống.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét các ý kiến cho rằng, về lâu dài cần xây dựng chương trình môn học giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 đến lớp 12. Còn trước mắt, có thể tích hợp nội dung này vào một số môn học, đồng thời đưa chương trình này vào bồi dưỡng hè cho giáo viên...

Ngày 16/8/2011, tại Hà Nội, Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục UNET tổ chức hội thảo, tập huấn Chương trình “Giáo dục kỹ năng sống” cho học sinh tiểu học và hướng dẫn tham dự “Festival – Khoa học sống động trong mắt em” với sự tham gia của các đại biểu thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh thành trong cả nước.

Tại buổi hội thảo, ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2011 – 2012, trong đó giáo trình “Kỹ năng sống” và giáo trình bằng hình ảnh “Skycare – khoa học sống động trong mắt em” môn tự nhiên và xã hội sẽ chính thức được triển khai trên toàn quốc.

Chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, tại Việt Nam, đào tạo kỹ năng sống cho trẻ dường như chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư xứng đáng. Nắm bắt nhu cầu từ thực tế, các trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho trẻ dần mọc lên ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn. Qua thực tế phản ánh từ phía phụ huynh, học sinh, cho thấy nội dung đào tạo vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề gây tranh cãi, chưa thể hiện sự bài bản và chuyên nghiệp, chưa đem lại hiệu quả thiết thực.

Chính vì vậy, qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, được sự định hướng của Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Giáo dục UNET quyết định triển khai Chương trình "Giáo dục kỹ năng sống" nhằm đem đến một mô hình đào tạo chuẩn mực, hiệu quả, định hướng hoạt động đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em Việt Nam.

Nhiệm vụ của nhà trường

Trên thực tế, có nhiều phương pháp, nhiều cách thức để thực hiện giáo dục KNS cho học sinh. Một trong những phương pháp hữu ích và thân thiện nhất để rèn KNS cho học sinh đó là giáo dục thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Về nhiệm vụ, hoạt động ngoài giờ lên lớp có ba nhiệm vụ, đó là: củng cố tăng cường nhận thức; bồi dưỡng thái độ, tình cảm và hình thành hệ thống kỹ năng, hành vi.

Với nhiệm vụ hình thành hệ thống kỹ năng, hành vi. Đây là nhiệm vụ nhằm rèn cho học sinh những kỹ năng thực hiện các công việc lao động đơn giản, các kỹ năng sáng tạo nghệ thuật, thực hiện các bài thể dục, các trò chơi, các hành vi ứng xử đối với mọi người trong gia đình, trong nhà trường và trong xã hội.

Thông qua các hoạt động, học sinh được rèn những kỹ năng tham gia hoạt động tập thể, kỹ năng tổ chức những hoạt động chung cùng nhau, biết phối hợp với mọi người cùng thực hiện hoạt động chung, nâng cao ý thức tự chủ, tự tin, chủ động và giao tiếp với mọi người.

Trên cơ sở những kỹ năng, hành vi này, học sinh rèn luyện những kỹ xảo, thói quen đạo đức bền vững và tự quản trong sinh hoạt tập thể. Như vậy, các nhà trường cần phải biết tận dụng và phát huy nhiệm vụ này của hoạt động ngoài giờ lên lớp để góp phần rèn luyện KNS cho học sinh.

Một số hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ hình thành hệ thống kỹ năng, hành vi:

Theo định nghĩa của WHO, kỹ năng sống được chia thành 2 loại là Kỹ năng tâm lý xã hội và Kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy, với 10 yếu tố như: tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người khác, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông, tư duy bình luận phê phán, ra quyết định, giao tiếp hiệu quả và thương thuyết.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật: Đây là một loại hình hoạt động quan trọng, không thể thiếu được trong sinh hoạt tập thể của trẻ em, nhất là học sinh tiểu học. Hoạt động này bao gồm nhiều thể loại khác nhau: Hát, múa, thơ ca, kịch ngắn, kịch câm, tấu vui, độc tấu, nhạc cụ, thi kể chuyện… Các hoạt động này góp phần hình thành cho các em kỹ năng mạnh dạn, tự tin trước đám đông. Đây là một trong những kỹ năng rất quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa. 

Hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao: Vui chơi, giải trí là nhu cầu thiết yếu của trẻ, đồng thời là quyền lợi của các em. Nó là một loại hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với học sinh ở trường tiểu học. Hoạt động này làm thỏa mãn về tinh thần cho trẻ em sau những giờ học căng thẳng, góp phần rèn luyện một số phẩm chất: tính tổ chức, kỉ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái… Nói về hoạt động này thì hầu hết các trường có tổ chức thực hiện nhưng xét về tính hiệu quả thì không phải nhà trường nào cũng đạt được. Sở dĩ như thế là do điều kiện về cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn của tổng phụ trách chưa thể đáp ứng được. Nhưng dù sao chúng ta cũng phải nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này để hướng hoạt động đạt mục tiêu đã đề ra.

Hoạt động xã hội: Bước đầu đưa học sinh vào các hoạt động xã hội để giúp các em nâng cao hiểu biết về con người, đất nước, xã hội. Đây là một hoạt động tuy khó nhưng nó mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Thông qua hoạt động này, các em sẽ được bồi dưỡng thêm về nhân cách, đặc biệt là tình người. Trong thực tế, hoạt động này đã được các nhà trường tiến hành tương đối tốt. Nhưng, theo chúng tôi, hoạt động này phải được khai thác một cách triệt để nhằm phát triển tối đa nhân cách ở các em.

Hoạt động lao động công ích: Đây là một loại hình đặc trưng của hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thông qua lao động công ích sẽ giúp các em gắn bó với đời sống xã hội. Ngoài ra lao động công ích còn góp phần làm cho trẻ hiểu thêm về giá trị lao động, từ đó giúp trẻ có ý thức lao động lành mạnh. Lao động công ích giúp trẻ vận dụng kiến thức vào đời sống như: Trực nhật, vệ sinh lớp học, sân trường, làm đẹp bồn hoa, cây cảnh cho đẹp trường, lớp. Đây là hoạt động tưởng như là thường xuyên nhưng thật ra trong nhà trường bây giờ học sinh rất ít được tham gia các hoạt động này. Có chăng chỉ là ép buộc và hình thức. Nhưng đây là hoạt động thật sự cần thiết giúp các em thích nghi với cuộc sống xung quanh. Sau này dù có rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt nào thì các em vẫn có thể tồn tại được. Đó là nhờ các em biết lao động.

Hoạt động tiếp cận khoa học - kĩ thuật: Đây là hoạt động giúp các em tiếp cận được những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến. Điều đó sẽ tạo cho các em sự say mê, tìm tòi, kích thích học tập tốt hơn. Những hoạt động này có thể là sưu tầm những bài toán vui, tham gia sinh hoạt CLB khoa học, tìm hiểu các danh nhân, các nhà bác học… Đây là một hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các em làm quen với việc nghiên cứu khoa học và tự khẳng định mình. Có thể nói đây là hoạt động mà các nhà trường ít chú trọng tới - ít chú trọng không phải là do không hiểu hết tầm quan trọng của nó mà là do điều kiện không cho phép. Đó là điều kiện về cơ chế, về thời gian, về năng lực của đội ngũ giáo viên tổng phụ trách…

Cô Đặng Hồng Răm, hiệu trưởng trường Tiểu học xã Hồng Thái (Kiến Xương, Thái Bình) cho rằng: Để rèn luyện KNS nên cho học sinh chơi những trò chơi tương tác, những trò chơi dân gian để các em rèn luyện tính tập thể, khả năng làm việc nhóm; cho HS đi tham quan các di tích lịch sử; tham gia các trò chơi vận động... để từ đó xây dựng tinh thần chia sẻ, ý thức trách nhiệm. KNS sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong chính những môi trường hoạt động cụ thể như vậy chứ không phải chỉ từ những bài giảng trên lớp.

Tóm lại, hoạt động ngoài giờ lên lớp có ý nghĩa hết sức to lớn đối với việc hình thành KNS cho HS. Do đó, các nhà quản lý giáo dục cần tạo mọi điều kiện thật tốt cho những giáo viên phụ trách công tác này để sao cho việc rèn luyện KNS cho HS đạt được hiệu quả cao nhất.


Giáo dục KNS cho trẻ cần sự chung tay của cộng đồng

Giáo dục KNS, đầu tiên đòi hỏi tính chủ động của chính học sinh. Vì vậy, nếu chỉ đưa vào chương trình lồng ghép với các môn học thì e rằng tính hiệu quả khó có thể được như mong đợi.

Lo lắng trước những cảnh báo về một lớp trẻ thiếu KNS, tranh thủ những tháng nghỉ hè vừa qua, không ít phụ huynh bên cạnh việc cho con đi học ngoại ngữ, năng khiếu, thể thao... cũng ráo riết tìm kiếm những trung tâm huấn luyện KNS cho trẻ với kỳ vọng: Trẻ sẽ có đủ tự tin, bản lĩnh để vững bước vào đời. Do đó, việc đưa KNS vào trường học trong năm học này được nhiều phụ huynh tán thành.

Bà Nguyễn Thu Hương, phụ huynh học sinh quân Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi, KNS không phải là những gì quá cao siêu, phức tạp. Việc giáo dục KNS cho trẻ em bao gồm những nội dung hết sức đơn giản, gần gũi với trẻ em, là những kiến thức tối thiểu để các em có thể tự lập... Và mục đích quan trọng nhất là giúp các con tự tin hơn, tự lập hơn trong cuộc sống”.

Cô Hoàng Ly, giáo viên trường tiểu học Quang Trung (Thành phố Thái Bình) cho biết: “Giáo dục KNS chỉ thật sự có hiệu quả khi người thầy có tâm huyết, sự kiên nhẫn và nhất là phải có thời gian. Giáo dục KNS không phải chỉ là công việc của giáo viên, nhà trường mà của cả xã hội, cộng đồng. Phải kết hợp cả gia đình, nhà trường và xã hội mới mong đào tạo được những học sinh phát triển toàn diện”.

Thuận lợi lớn của giáo viên hiện nay, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hành tài liệu giáo dục KNS cho học sinh. Năm học này, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học tăng cường rèn luyện KNS cho học sinh; Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mỗi thầy cô giáo tâm huyết, trách nhiệm hơn trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Giáo viên các trường học không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn thường xuyên quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của học sinh. Sở yêu cầu các trường cần tăng cường trao đổi thông tin với gia đình một cách thường xuyên, liên tục.

Mặt khác, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng trong định hướng, giáo dục, động viên giúp học sinh tránh xa tệ nạn xã hội, bố trí thời gian học tập, vui chơi phù hợp. Vì vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh trong và ngoài nhà trường.

Kỹ năng sống của mỗi người được hình thành qua quá trình rèn luyện, phấn đấu. Bởi vậy, cùng với những kiến thức có được từ các lớp học, rất cần gia đình, xã hội đồng hành cùng con trẻ để hỗ trợ KNS cho con phù hợp với lứa tuổi và thực tế cuộc sống.

Theo GDTĐ

Tác giả: HT

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay4,168
  • Tháng hiện tại95,330
  • Tổng lượt truy cập3,451,900
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi