Hướng dẫn chọn ban ở lớp 10 THPT cho học sinh lớp 9

Thứ hai - 14/03/2011 23:45
Việc chọn ban ở lớp 10 THPT là rất quan trọng nhưng cũng gây bỡ ngỡ và lo lắng không ít đối với HS (và cả PHHS) lớp 9. Đừng quá lo lắng! Hãy tìm hiểu và đánh giá thật kỹ năng lực, hứng thú của bản thân đối với từng môn học để có lựa chọn phù hợp. Nhưng nếu lỡ chọn lầm ban ở lớp 10 thì sao? Không sao, vì các em vẫn còn cơ hội để thay đổi... (Xem tiếp)

 

 

HƯỚNG DẪN HỌC SINH LỚP 9 CHỌN BAN HỌC

Ở LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


            Căn cứ vào các tài liệu hướng dẫn về phân ban THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường giới thiệu một số nội dung cụ thể giúp các em học sinh và các bậc phụ huynh có cơ sở lựa chọn và đăng ký ban học cho phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của từng cá nhân học sinh.

I. CÁC BAN HỌC Ở CẤP THPT: Có 3 ban gồm:

+ Ban Khoa học Tự nhiên (KHTN): Ban này phù hợp với những học sinh có năng lực, hứng thú, nguyện vọng học sâu hoặc lựa chọn các nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực Toán và KHTN.

+ Ban Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH-NV): Ban này phù hợp với những học sinh có năng lực, hứng thú, nguyện vọng học sâu hoặc lựa chọn các nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức về KHXH-NV.

+ Ban Cơ bản: Thực hiện phân hoá linh hoạt bằng dạy học tự chọn ở các mức độ nâng cao khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu của các bộ phận học sinh học lên Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, đi vào lao động sản xuất.

   Năm học 2010-2011, Trường THPT Châu Thành có 13 Lớp 10 (gồm 3 lớp ban KHTN và 10 lớp ban Cơ bản), Trường THPT Bà Rịa có 10 Lớp 10 (gồm 2 lớp KHTN và 8 lớp Ban Cơ bản), Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm có 10 Lớp 10 thì cả 10 lớp đều là Ban cơ bản. Như vậy có thể thấy hầu hết HS chọn Ban cơ bản, có lẽ do tính linh hoạt của nó và ngày càng có ít HS chọn ban KHXH và NV (trong 33 Lớp 10 ở các trường trên địa bàn TX Bà Rịa, không có lớp nào là Ban KHXH và NV).

II. CÁC MÔN HỌC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC Ở CẤP THPT:

+ Cấp THPT có 13 môn học: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Thể dục, Ngoại ngữ, Tin học, GDCD, Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

+ Có 4 hoạt động giáo dục (HĐGD): HĐGD tập thể, HĐGD ngoài giờ lên lớp, HĐGD hướng nghiệp và HĐGD nghề phổ thông.

III. CHƯƠNG TRÌNH CỦA CÁC BAN HỌC:

+ Ban KHTN: Phải học chương trình nâng cao của 4 môn: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học và chương trình chuẩn của 9 môn còn lại.

+ Ban KHXH-NV: Phải học chương trình nâng cao của 4 môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ và chương trình chuẩn của 9 môn còn lại.
Học sinh học hai ban trên được chọn học một số chủ đề tự chọn bám sát để nắm chắc hơn các nội dung nâng cao.

+ Ban Cơ bản: Học theo chương trình chuẩn cho tất cả các môn học. Ngoài ra, kế hoạch dạy học còn dành cho mỗi lớp một thời lượng 4 tiết/tuần để HS có thể chọn học một siố môn nâng cao trong số các môn của 2 ban: KHTN và KHXH-NV (như: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ),  các chủ đề tự chọn phù hợp với năng lực bản thân và định hướng chọn nghề hoặc học lên trong tương lai.

CHÚ Ý: Cũng cần lưu ý là việc tổ chức dạy học tự chọn còn phù thuộc vào điều kiện giáo viên, Cơ sở vật chất và số HS đăng ký hoặc nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

IV. ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỌC TỐT CÁC BAN:

+ Học sinh chọn Ban KHTN: phải có năng lực tốt về các môn học tự nhiên, thể hiện qua điểm thi Toán và Vật lý ở kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua phải đạt từ 6,5 điểm/môn trở lên và phải học đủ 4 năm Tiếng Anh ở THCS.

+ Học sinh chọn Ban KHXH-NV: phải có năng lực tốt về các môn học xã hội, thể hiện qua điểm thi môn Văn ở kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua phải đạt từ 6.5 điểm/môn trở lên và phải học đủ 4 năm Tiếng Anh ở THCS. 

+ Học sinh chọn Ban Cơ bản: Ban này phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh, nhất là những HS còn lưỡng lự, phân vân chưa biết chọn ban nào cho phù hợp. Và thực tế trong những năm gần đây, số HS chọn ban cơ bản ở các trường và các địa phương bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao nhất.

V. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CHỌN BAN:

    Khi quyết định chọn ban nào ở lớp 10 THPT, các em cần lưu ý những điều sau:

+ Hãy tự tìm hiểu kỹ năng lực bản thân mình đối với từng nhóm môn học (Năng lực biểu hiện qua khả năng hiểu tương đối dễ dàng những kiến thức môn học và sự hình thành các kỹ năng, việc vận dụng những kiến thức kỹ năng đó để giải quyết các bài tập và tình huống trong thực tiễn của môn học).

+ Tự tìm hiểu hứng thú học tập của mình với bộ môn nào cụ thể (thích học các nhóm môn học nào? Không thích nhóm môn học nào? Thích KHTN hay KHXH…?)

+ Thử hình dung nghề nghiệp trong tương lai của mình là gì? Và xem khi học hết lớp 12, em sẽ chọn ngành nào khi thi Đại học để qua đó chọn ban tương ứng ngay từ đầu lớp 10.

   Gợi ý: Để phù hợp với các khối thi đại học sau này thì học sinh nên chọn: Khối A (Toán, Lý Hoá), Khối B (Toán, Hoá, Sinh), Khối C (Văn, Sử, Địa), Khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ).

+ Tuyệt đối đừng bao giờ chọn ban vì theo bạn bè hoặc vì sĩ diện. đua đòi. Ví dụ: Thấy bạn chọn ban KHTN mình cũng chọn ban KHTN cho dù bản thân mình rất yếu Toán, Lý , Hóa…

+ Nếu lỡ chọn ban không phù hợp ở lớp 10, các em cũng đừng quá lo lắng vì sẽ còn cơ hội để các em đổi ban ở đầu năm lớp 11.

      Mọi thắc mắc các em có thể gửi về hộp thư c2nguyendubr@gmail.com hoặc tuvanhocduongnd@gmail.com để được các thầy cô hướng dẫn cụ thể.

                                                                                Chúc các em tự tin và thành công./.        

 

Tác giả: HT

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay3,471
  • Tháng hiện tại94,633
  • Tổng lượt truy cập3,451,203
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi