Nền giáo dục tay phải

Chủ nhật - 25/09/2011 05:10

Nền giáo dục tay phải

Nếu lớp bạn có một học sinh viết bằng tay trái, mà không viết bằng tay phải như mọi học sinh khác, thì bạn suy nghĩ như thế nào? Bạn sẽ cố gắng để thay đổi hay mặc nhiên chấp nhận sự khác biệt đó?

1.   Con gái tôi sinh ra đã thuận tay trái, làm bất cứ việc gì cũng đều tay trái, đến khi đi học lớp một, mới ngày đầu tiên gia đình đã được cô giáo mời đến để “mắng vốn” về cái tội thuận tay trái của cháu, cô yêu cầu gia đình bằng mọi cách phải rèn cho cháu sử dụng tay phải nếu không thì không thể học được!

Lời cô là “thánh chỉ”, hơn nữa “vì tương lai con em” cả gia đình tôi lao vào chương trình rèn luyện quyết liệt cho cháu. Đầu tiên tôi bắt cháu cầm bất kỳ vật gì cũng phải bằng tay phải, rồi tập viết bằng tay phải, cứ mỗi lần cháu quên, dùng sang tay trái là nhắc nhở, rồi quát tháo, thậm chí còn có cả cây roi nhỏ chuyên dùng để khẽ vào cái tay sai trái của cháu. Có thể nói đây là một quá trình rèn luyện vô cùng gian khổ và đầy nước mắt, nước mắt của con gái tôi và cả nước mắt của vợ tôi khóc vì thương con!

Mọi sự cố gắng rồi cũng được đền đáp, con gái tôi cuối cùng cũng đã viết được bằng tay phải, cả nhà vui mừng, cô giáo cũng thở phào nhẹ nhõm, cô bảo: “Có thế chứ, nếu không làm sao học được, rồi lại ảnh hưởng đến thi đua của lớp (?)”.

Thế nhưng sao tôi cứ băn khoăn vì thấy ở nước ngoài việc trẻ con thuận tay trái là việc bình thường đâu ai bắt phải sửa, thậm chí lịch sử còn cho thấy những người danh tiếng như Hoàng đế La Mã Lulius Caesar, Vua Pháp Napoleon, Nữ hoàng Anh Victoria, Thủ tướng Anh Churchill, Chủ tịch Cuba Fidel Castro rồi các tổng thống Mỹ như  George Bush cha, Bill Clinton, Obama đều sử dụng tay trái, ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như hoạ sĩ Leonardo da Vinci, Michelangelo, Picasso, nhạc sĩ Mozart, thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles, Paul McCartney...cũng là những người thuận tay trái và ngày nay các nhà khoa học cũng kết luận rằng những người có chỉ số IQ cao đa phần là người thuận tay trái, rồi có hẳn một ngày quốc tế dành cho những người thuận tay trái là ngày 13/8 hàng năm, thế mới hay chứ!

         Ngày 13/8, ngày hội của những người tay trái ở Mỹ

Còn ở Việt Nam, ngay từ ngày xưa cha ông ta cũng đã có tư tưởng coi thường những người thuận tay trái, nên có câu tục ngữ: “Đàn ông tay chiêu đập niêu không vỡ, đánh vợ không đau” (tay chiêu là tay trái), coi thường như thế bởi họ khác mọi người, không giống với số đông, mà thói quen người ta luôn coi số đông là chân lý, “chân lý thuộc về mọi người” mà! Điều đó cũng có nghĩa mọi sự khác biệt với số đông đều không phải chân lý và không được tôn trọng, quan niệm này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và giáo dục ta nghiễm nhiên trở thành nền giáo dục của những người thuận tay phải là vậy. Nói đến đây tôi chợt nhớ có vị cán bộ chuyên môn ở Sở giáo dục nọ khi dự giờ hội giảng cấp Tỉnh, thấy một cô giáo viết bằng tay trái, vị này liền phán: “Chỉ nhìn cách viết tay trái thôi là đủ đánh rớt rồi”!

2.   Mới đây, báo Thanh Niên ra ngày 06/7/2010 đưa tin trong kỳ thi đại học vừa qua có mấy thí sinh dự thi không hợp lệ vì các em này chỉ mới học lớp 11. Khi phát hiện ra điều này, các hội đồng thi xôn xao, Bộ giáo dục, Cục khảo thí cũng xôn xao, ai cũng bảo các khâu kiểm tra hồ sơ còn nhiều sơ hở nên đã để lọt lưới các thí sinh này. Nói thế vì theo quy chế thi, chỉ những HS có bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc chương trình tương đương mới được dự thi đại học, hay nói rõ hơn là phải học xong chương trình phổ thông, được nhà trường cấp học bạ, rồi được công nhận tốt nghiệp ở kỳ thi quốc gia các em mới đủ tiêu chuẩn dự thi, đằng này các em này lại mới chỉ học xong lớp 11 (!)

Thế nhưng ở các nước khác có những HS còn rất nhỏ tuổi đã được dự thi đại học rồi được các trường đại học nhận vào học hẳn hoi. Như cậu bé Song Yoo-gun, thần đồng khoa học 7 tuổi người Hàn Quốc đã thi đỗ kỳ thi tuyển sinh ĐH của trường ĐH Inha năm 2005, rồi cậu bé người Singapore, Muhammad Haikal Abdullah Zain cũng đã xuất sắc vượt qua kì thi A-level(chứng chỉ giáo dục phổ thông cao cấp) do hội đồng Anh tổ chức khi chưa tròn 13 tuổi và cậu bé này đã quyết định nộp đơn vào khoa Y,  Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS- National University of Singapore). Một chú nhóc khác, cũng 10 tuổi, tên là Alex Jaeger ở hạt Cherokee (phía đông nam bang Kansas, Mỹ)  đã được Trường đại học Pittsburg State hân hoan chào đón. Gần ta nhất, mới đây, Em Tô Lưu Dật, 10 tuổi, thí sinh nhỏ tuổi nhất trong kỳ thi đại học vừa qua tại Trung Quốc, đã đỗ vào Đại học Công nghệ Nam Phương (Thâm Quyến, Trung Quốc). Ông Chu Thanh Thời, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Nam Phương đã xác nhận thông tin này đồng thời cũng cho biết: “Dật là cậu bé có tư chất rất thông minh, nếu đào tạo tốt rất có khả năng em sẽ trở thành nhân tài kiệt xuất”.

Ở người là thế, còn ta thì không. Phải chăng chính quy định gò bó của ta, vô tình hay hữu ý, chỉ công nhận một cách học tập duy nhất, chính thống là học ở nhà trường và nguồn kiến thức duy nhất cũng phải do thầy cô trong nhà trường truyền đạt, đánh giá. Mọi hình thức học tập và nguồn kiến thức khác, không thông qua ông thầy đều không được công nhận. Quy định vậy nên mọi học sinh đều chỉ có một con đường học tập giống nhau, dù là người "dôn dốt", bình thường hay tài năng, thần đồng! Suy cho cùng thì đây cũng là biểu hiện của nền giáo dục tay phải, vốn không chấp nhận sự khác biệt. (TBN - Ngày 11/07/2010).

Tác giả: HT

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay8,690
  • Tháng hiện tại175,801
  • Tổng lượt truy cập3,532,371
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi