Đổi mới giáo dục: Từ tư duy

Thứ bảy - 27/07/2013 06:16

Đổi mới giáo dục: Từ tư duy

(Chinhphu.vn) - Từ xưa đến nay, tư duy học hành thi cử quan trường đã bám rễ vào nhận thức của người Việt. Cả xã hội quan niệm học để làm thầy, ít ai muốn làm thợ.

 

Ảnh min họa

Trong một hội thảo khoa học bàn về đổi mới giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức gần đây, nhiều trí thức, nhà khoa học đã đề nghị thay đổi lối tư duy khoa bảng truyền thống. Lối tư duy nhà văn Nguyên Ngọc gọi là “hư học”, học để thi chứ không phải “học để biết, học để làm việc, học để khẳng định chính mình và học để hòa nhập”, theo định nghĩa của UNESCO.

Bỏ "lối mòn” học vì bằng cấp

Theo GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây chính là căn nguyên của căn bệnh thành tích. Là nguyên nhân cốt lõi của những tệ nạn chạy trường, chạy điểm, gian lận thi cử, học không đi đôi với hành, học vẹt.

Đồng tình với quan điểm này, GS. Văn Như Cương cho rằng “Chính vì tư tưởng học để có chứng chỉ, bằng cấp nên đã làm nảy sinh một hệ thống cơ chế quản lý giáo dục theo kiểu điều hành để đi thi, làm nảy sinh môn chính, môn phụ. Một nền giáo dục đáng lẽ ra phải học gì thi nấy lại biến thành thi gì học nấy”.

GS. Cương lấy ví dụ, ngay từ lớp 10-11, nhiều học sinh chỉ tập trung vào những môn thi đại học hoặc thi tốt nghiệp mà bỏ bê các môn khác.

Giáo dục không chỉ có nhiệm vụ dạy người mà còn có nhiệm vụ quan trọng không kém là cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế quốc dân. Do vậy, một logic tất yếu là cuộc sống cần gì, chúng ta dạy nấy. Tuy nhiên, với tư duy học lấy bằng như hiện nay, ngành giáo dục Việt Nam đang có gì, dạy nấy mà không quan tâm tới nhu cầu nhân lực của xã hội, không quan tâm tới đầu ra cho sản phẩm của mình.

Nói như GS. Nguyễn Minh Thuyết, giáo dục của chúng ta hiện nay đang tách học sinh xa rời thực tế xã hội, ít gắn với sản xuất, ít gắn với thị trường lao động.

“Toàn xã hội ai cũng thích có bằng cấp, nhưng doanh nghiệp thì không quan tâm tới bằng cấp, mà họ quan tâm tới chất lượng, tri thức, kỹ năng của sinh viên đó”, GS. Phạm Minh Hạc nhận xét. 

Điều này ngay chính Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng thừa nhận. Đó là lâu nay chúng ta đang giáo dục thế hệ trẻ theo kiểu sách vở, học vẹt, thi xong là quên hết chứ không sử dụng hay phát huy được vào thực tiễn.

Chính với lối tư duy hư học như vậy, nền giáo dục Việt Nam đang "sản xuất" ra những "sản phẩm" làm xã hội thực sự lúng túng. Vì cái gì các em cũng biết (hệ quả của nền giáo dục toàn diện) nhưng không biết gì cả, khi bắt tay vào làm một việc cụ thể là phải đào tạo lại.

Chừng nào còn giữ lối tư duy đó, giáo dục Việt Nam sẽ không thể vươn tới một nền giáo dục thực chất. Nơi mà chất lượng con người, kiến thức thu nạp được thực sự được vận dụng vào cuộc sống chứ không phải chỉ cung cấp những cái tên trên những tấm bằng.

Tạo thêm các lối rẽ vào đời

Lối tư duy sai lầm, lạc hậu cần thay đổi hiện nay là tư tưởng thích làm thầy hơn làm thợ. Đó cũng là hậu quả lớn của suy nghĩ háo danh và thiếu thực tế, gây ra là tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, “thầy dở thợ tồi”.

 

GS. Văn Như Cương. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Tuy nhiên, bên cạnh những bất cập của hệ thống đào tạo nghề hiện nay thì ngành Giáo dục chưa có cơ chế nào bảo đảm có nhiều người được học nghề thực sự.

GS. Văn Như Cương cho rằng “lối suy nghĩ lấy bằng cấp là đích cuối cùng của việc học nên mọi chương trình học từ cấp 1, 2, 3 đều định hướng vào mục tiêu duy nhất là thi đại học”.

Hiện chương trình học phổ thông của chúng ta quá nặng (14 môn học) ngay cả với những em muốn và có khả năng đi học đại học. Do vậy, việc bắt ép các em chỉ muốn học nghề phải học cả chương trình dành cho ôn thi đại học là quá sức các em và “thực sự không cần thiết, không có ích gì cho các em trong cuộc sống”.

GS. Hoàng Tụy nhận xét: “Trẻ em ta học hết 12 năm học THPT thì mệt nhoài, lên đại học và trên nữa thường mau đuối sức khi đua tranh với bạn bè các nước mà ở đó tuổi thiếu niên vừa được học vừa được chơi, chơi mà học, để giành sức sau này có thể tiến lên xa vào những giai đoạn quyết định của cuộc đời”.

Để khắc phục những bất hợp lý trên, GS. Hoàng Tụy cho rằng cần cải tổ hệ thống giáo dục để sau THCS có hai nhánh rẽ: Một số lớn học sinh (khoảng 2/3) sẽ vào trung học hướng nghiệp, chỉ 1/3 vào THPT. Học xong trung học hướng nghiệp có thể đi ngay vào thị trường lao động tìm một việc làm có nghề. Nếu có nguyện vọng nâng cao tay nghề, các em có thể học lên cao hơn như học cao đẳng nghề.

Còn theo đề xuất của GS. Cương, Chương trình kiến thức cơ bản chỉ nên gói gọn trong 2 bậc học tiểu học và THCS. Đến cấp PTTH chỉ kéo dài 11 năm và phân làm 2 nhánh. Một nhánh PTTH truyền thống (chiếm 2/3) dành cho những em có nguyện vọng, khả năng đi học đại học.

Nhánh còn lại là PTTH dạy nghề dành cho những em không có điều kiện (hoàn cảnh khó khăn, phải làm việc giúp gia đình hoặc học lực có hạn) tham gia học nghề luôn. Nhánh PTTH dạy nghề vẫn học văn hóa nhưng nhẹ hơn, ít môn hơn và kèm theo dạy nghề cơ bản theo nhiều trình độ.

Như vậy sau khi tốt nghiệp PTTH các em có thể kiếm sống ngay bằng nghề mình đã học hoặc lựa chọn học tiếp lên Cao đẳng nghề để trở thành người thợ giỏi.

Đây chính là nền tảng bền vững để chúng ta có một đội ngũ những người thợ giỏi, được đào tạo bài bản, vì đây là những người đã lựa chọn nghề bằng sự tự nguyện của bản thân chứ không phải vì không thi được vào đại học.

Bởi chính trong quá trình học nghề song song với học văn hóa các em sẽ xác định được định hướng nghề nghiệp tương lai của mình, xác định được bản thân phù hợp với ngành nghề gì để có sự lựa chọn đúng đắn, thực tế, chứ không phải mất thêm 3 năm học căng đầu ra giải phương trình logarit hoặc phải học như một nhà phê bình văn học rồi lại ra học nghề.

Thậm chí, sau thời gian học nghề nếu các em muốn quay trở lại con đường tri thức thì các em vẫn còn trẻ (17 tuổi) để tham gia lớp dự bị đại học tiếp tục con đường khoa bảng.

Và thực tế cuộc sống đã, đang chứng minh có rất nhiều người thành danh, giàu có hoặc ít nhất là sống tốt nhờ có tay nghề giỏi như nghề may, làm tóc, trang điểm, sửa xe máy, ô tô, đầu bếp… chứ không nhất thiết phải tốn kém tiền bạc, công sức, tuổi trẻ có được tấm bằng đại học nhưng thất nghiệp hoặc lại làm nghề tay chân như một người thợ nghiệp dư.

Do vậy, bên cạnh việc nỗ lực nâng cao tuyên truyền nhận thức cho người dân, xây dựng một nền giáo dục thực học không chạy theo bằng cấp, thì việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phân luồng, định hướng cải tổ chương trình đào tạo ngay từ cấp PTTH sẽ là cách tư vấn, hướng nghiệp hiệu quả, thiết thực nhất.

Nguyệt Hà

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay5,958
  • Tháng hiện tại93,509
  • Tổng lượt truy cập3,450,079
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi