Dần tới 0 và tiến ra… vô cực?

Thứ năm - 26/04/2012 07:43

Dần tới 0 và tiến ra… vô cực?

Báo Tuổi trẻ cuối tuần số ra ngày 15/4/2012 vừa đăng "Câu chuyện giáo dục" của một nhà giáo. Câu chuyện đề cập đến một vấn đề khá phổ biến hiện nay trong các nhà trường phổ thông. Có thể câu chuyện này sẽ có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Hy vọng sẽ nhận sẽ được những ý kiến đóng góp của Thầy Cô.

Tôi có người anh ruột học khá nên mấy thầy dạy toán phổ thông thường chê tôi: “Cậu làm toán thua anh cậu xa lắc”. Vô sư phạm, tôi nghe mãi lời phàn nàn của nhiều giảng viên: “Khóa 7 của các anh chị , theo tôi thấy là tệ nhất từ trước tới nay”. Ra trường đi dạy, tôi dạy toán lớp 10. Tiếp xúc với học trò lần đầu đâu có gì để so sánh nên tôi đâu biết chê (!) Chỉ nghe các thầy cô giáo dạy Toán, Lý, Hóa, Văn… cũng ở lớp 10 đó than: “Thiệt tình, khối 10 tuyển vô trường mình năm nay bết nhất từ trước tới giờ”. Tôi dạy học mười năm, rồi hai mươi năm, năm nào cũng nghe giáo viên già có, trẻ có, nói: Khối 12 năm nay tệ thiệt, chắc chắn sẽ rớt tốt nghiệp nhiều, còn đại học chắc chẳng mấy đứa”. Các giáo viên kể lể, than trách tưởng như họ tiếc nuối thời kỳ vàng son của nền giáo dục mà họ thụ hưởng vừa mới trôi qua, bây giờ chỉ còn lại gỉ sét, cặn bã. Cứ học sinh năm này lại thua học sinh năm trước. Ô hay, chẳng lẽ khả năng học tập của con em, của người Việt Nam ta ngày càng dần tiến tới 0 sao?

Việc chê kẻ mình được quyền chê, như thầy giáo chê học sinh, cha mẹ chê con, hình như là cách để nâng cao vị thế, để tỏ ra mình là người trải nghiệm, tỏ ra bề trên, tỏ ra giỏi giang một cách đáng ghét và lố bịch. Điều đó không nằm trong thang giá nào để kết luận rằng khả năng học tập của học sinh ngày càng tiến tới zero. Đặc biệt hơn chê còn là cách đổ thừa nếu thành tích thi đua của giáo viên đó chưa đạt. Rất mong các thầy cô giáo dạy dở, dạy giỏi, dạy trung bình đừng chê học sinh, bởi chúng ta cũng chẳng khá gì hơn trong mắt học trò sau khi chê bai họ. Lớp học trò bị chê này sẽ mặc cảm, thiếu tự tin và nguy thay, họ lại tiếp tục chê bai đàn em của họ khi có dịp.

Năm lớp 12, tôi bị thầy chủ nhiệm so sánh: “Hồi ở tuổi cậu, tôi chững chạc chứ không lấc cấc trẻ con như cậu đâu. Cậu phạm quá nhiều vào nội quy nhà trường”. Tiếp đến học sư phạm, buổi chào cơ đầu tuần nào cũng nghe thầy hiệu trưởng nghiêm khắc nhắc nhở: “Sinh viên năm thứ nhất cần chấn chỉnh ngay cách ăn mặc, nói năng, giờ giấc sinh hoạt nội trú. Hãy noi gương các anh chị khóa trước”. Ra trường đi dạy, cái câu tôi thường trực nghe năm này qua tháng nọ của thầy cô giáo là: “Học trò bây giờ càng ngày càng mất dạy, vô lễ, làm biếng”. Vâng, học trò cứ ngày một tệ như thế chẳng lẽ hạnh kiểm của con em chúng ta ngày càng tiến ra (vô cùng) của sự hư hỏng sao?

Lẽ ra “sóng lớp sau đè sóng lớp trước”, đằng này người đi trước cứ lấy việc chê trách kẻ hậu sinh làm mốt, làm sang. Đâu có một học sinh nào, một lớp học nào thuộc về một nền giáo dục khác đến đây quấy phá chúng ta? Họ là sản phẩm của chúng ta. Chê trách họ hóa ra chê trách chính chúng ta à? Con hơn cha là điều phúc, trò hơn thầy là điều vinh. Cái cần là khả năng sư phạm, là nội lực văn hóa, là lời khen tặng kịp thời, là sự tận tụy của người thầy chứ không phải trốn tránh, đổ lỗi cho nhau. Chối bỏ những sản phẩm tì vết, không đúng “khuôn vàng thước ngọc” kia không phải là cách để học sinh cảm nể chúng ta. Cũng không phải là cách để chứng minh với mọi người rằng giáo viên chúng ta nghiêm cẩn, đạo mạo, đức trọng hơn người, còn học sinh thì…

Nguyễn Phi Hùng (Theo Câu chuyện giáo dục, báo Tuổi trẻ cuối tuần số ra ngày 15/4/2012)

Tác giả: HT

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay7,331
  • Tháng hiện tại174,442
  • Tổng lượt truy cập3,531,012
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi